Từ khi chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012, 8 năm qua, HTXNN Phước Hưng (huyện Tuy Phước) vượt qua nhiều khó khăn, kiện toàn hệ thống và phát triển tốt.
HTXNN Phước Hưng tập kết lúa giống để bán cho Công ty tập đoàn Thái Bình Seed theo hợp đồng
Ông Trần Tăng Long, Giám đốc HTXNN Phước Hưng, cho biết: Sau khi chuyển đổi, chúng tôi xây dựng phương án sản xuất kinh doanh đảm bảo hiệu quả, đúng luật; các thành viên gắn kết với HTX thông qua hợp đồng, nghĩa vụ góp vốn và lợi nhuận được phân chia rõ ràng, đúng và đủ theo vốn góp, theo mức độ sử dụng dịch vụ các thành viên. Trừ giai đoạn đầu có đôi chút khó khăn, còn lại, mọi việc đều phát triển thuận lợi, từ tổ chức sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đến tiêu thụ sản phẩm. Hơn nữa việc quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng theo hướng sản xuất hàng hóa cũng góp phần gắn kết tình làng, nghĩa xóm hơn.
Doanh thu hàng năm của HTX năm sau luôn cao hơn năm trước là một điểm khiến nhiều thành viên phấn khởi. Điển hình là năm 2019, tổng doanh thu của HTX đạt 28,3 tỷ đồng, lợi nhuận trên 1 tỷ đồng. Điều đáng nói là HTX đã năng động tìm đối tác, làm cầu nối, gắn kết xã viên với nhiều đối tác tốt. Ví dụ, vụ Đông Xuân 2019 – 2020, HTX kết nối được với Công ty CP tập đoàn Thái Bình Seed (Chi nhánh Miền Trung Tây Nguyên) và Công ty CP đầu tư thương mại và phát triển nông nghiệp ADI (Hà Nội) ký hợp đồng sản xuất 240 ha lúa các giống: BC15, TBR-89, ADI28, BDR88 trên cánh đồng lớn và mẫu lớn, tăng 140 ha so với năm ngoái. Vụ mùa bội thu, thóc lại được giá, chỉ riêng tiền thóc, các thành viên của HTX đã lãi hơn 1,5 tỷ đồng; chưa kể nhờ giá rơm rạ lên cao, xã viên còn có thêm một khoản thu tương đối khá.
Chị Nguyễn Thị Hà, ngụ thôn Tân Hội, chia sẻ: Nhà tôi có 3 sào ruộng nằm trong cánh đồng lớn. Sản xuất theo hướng liên kết có nhiều cái lợi, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đều được DN, HTX cho mượn, đến khi lúa chín HTX chủ động đưa máy đến thu hoạch. Tôi chỉ theo dõi và chốt số lượng để làm cơ sở tính tiền thôi. Cả phần rơm rạ cũng vậy. Thông suốt và rõ ràng như vậy nên nhiều năm nay, bà con ủng hộ mô hình liên kết mà HTX giới thiệu.
Bên cạnh các hoạt động quen thuộc như: Liên kết sản xuất lúa giống, cung ứng vật tư phân bón, thủy lợi, đầu tư tài chính – tín dụng nội bộ, mua bán xăng dầu…, 2 năm gần đây, nhờ đầu tư xây dựng nhà kho, máy sấy nên HTXNN Phước Hưng có thể chủ động trong việc mua gom lúa giống của xã viên để bán cho DN và sấy thuê cho các đơn vị khác. Cùng với đó, HTX còn đầu tư 3tỷ đồng xây dựng nhà, xưởng sản xuất gạo thành phẩm. Ông Trần Tăng Long chia sẻ: Chúng tôi đang lập kế hoạch thuê ruộng của thành viên từ 5 – 10 năm, cải tạo thành vùng sản xuất lúa chuyên canh để sản xuất gạo chất lượng cao, có thương hiệu bài bản. Sản phẩm của chúng tôi đi theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Theo Xuân Thức/Báo Bình Định